PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

Tháng Bảy 1, 2015 11:05 sáng

DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC

Tổ chức dạy học nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển năng, phẩm chất cũng không phải là mới. Tuy nhiên, quá trình tổ chức dạy học để phát huy năng lực cá nhân, tạo điều kiện cho học sinh được sáng tạo và tương trợ lẫn nhau trong học tập thì mỗi tiết học cần sự thay đổi và thay đổi cụ thể trong mỗi giáo viên. Một thay đổi cần làm cụ thể, thiết thực và quan trọng để dạy học hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của cá nhân là Lập kế hoạch, tổ chức một số tiết học.

SỐ YÊU CẦU VÀ THIẾT KẾ MỘT BÀI GIẢNG PHÁT HUY NĂNG LỰC HỌC SINH
1. Năng lực của con người:
Theo từ điển Tiếng Việt: Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Hoặc: Năng lực là khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định. Năng lực gồm có năng lực chung và năng lực đặc thù. Năng lực chung là năng lực cơ bản cần thiết mà bất cứ người nào cũng cần phải có để sống và học tập, làm việc. Năng lực đặc thù thể hiện trên từng lĩnh vực khác nhau như năng lực đặc thù môn học là năng lực được hình thành và phát triển do đặc điểm của môn học đó tạo nên.
2. Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực:

Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học được xem như một nội dung giáo dục, một phương pháp giáo dục như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh. Điểm khác nhau giữa các phương pháp là ở chỗ dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học có yêu cầu cao hơn, mức độ khó hơn, đòi hỏi người dạy phải có phẩm chất, năng lực giảng dạy nói chung cao hơn trước đây.
Điều quan trọng hơn cả là nếu so sánh với các quan niệm dạy học trước đây, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực sẽ làm cho việc dạy và việc học được tiếp cận gần hơn, sát hơn với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người..
3. Phương pháp dạy học theo quan điểm phát triển năng lực:

Trong quan niệm dạy học mới (tổ chức) một giờ học tốt là một giờ học phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học nhằm nâng cao tri thức, bồi dưỡng năng lực hợp tác, năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp tự học, tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, đem lại hứng thú học tập cho người học. Ngoài những yêu cầu có tính chất truyền thống như: bám sát mục tiêu giáo dục, nội dung dạy học, đặc trưng môn học; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh (HS); giờ học đổi mới PPDH còn có những yêu cầu mới như: được thực hiện thông qua việc GV tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo hướng chú ý đến việc rèn luyện phương pháp tư duy, khả năng tự học, nhu cầu hành động và thái độ tự tin; được thực hiện theo nguyên tắc tương tác nhiều chiều: giữa GV với HS, giữa HS với nhau (chú trọng cả hoạt động dạy của người dạy và hoạt động học của người học. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ học tập với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.
4. Cấu trúc giáo án dạy học phát huy năng lực:

Giáo án (kế hoạch bài học) được điều chỉnh cụ thể hơn so với truyền thống. Có thể có nhiều cấu trúc để thiết kế một kế hoạch dạy học (giáo án). Sau đây là một cấu trúc giáo án có các hoạt động và mục tiêu cụ thể….
– Mục tiêu bài học:
+ Nêu rõ yêu cầu HS cần đạt về KT, KN, thái độ;
+ Các mục tiêu được biểu đạt bằng động từ cụ thể, có thể lượng hoá được.
– Chuẩn bị về phương pháp và phương tiện dạy học:
+ GV chuẩn bị các thiết bị dạy học (tranh ảnh, mô hình, hiện vật, hoá chất…), các phương tiện dạy học (máy chiếu, TV, đầu video, máy tính, máy projector…) và tài liệu dạy học cần thiết;
+ Hướng dẫn HS chuẩn bị bài học (soạn bài, làm bài tập, chuẩn bị tài liệu và đồ dùng học tập cần thiết).
– Tổ chức các hoạt động dạy học: Trình bày rõ cách thức triển khai các hoạt động dạy- học cụ thể. Với mỗi hoạt động cần chỉ rõ:
+ Tên hoạt động ;
+ Mục tiêu của hoạt động;
+ Cách tiến hành hoạt động;
+ Thời lượng để thực hiện hoạt động;
+ Kết luận của GV về: những KT, KN, thái độ HS cần có sau hoạt động; những tình huống thực tiễn có thể vận dụng KT, KN, thái độ đã học để giải quyết; những sai sót thường gặp; những hậu quả có thể xảy ra nếu không có cách giải quyết phù hợp;…
– Hướng dẫn các hoạt động tiếp nối: xác định những việc HS cần phải tiếp tục thực hiện sau giờ học để củng cố, khắc sâu, mở rộng bài cũ, hoạt động ứng dụng kết quả bài học vào cuộc sống (ở lớp, nhà, cộng đồng; có thể cùng bạn, gia đình, làng xóm, khối phố) hoặc để chuẩn bị cho việc học bài mới.